Di tích - Danh thắng Hoằng Lộc

Bảng Môn Đình

Bảng Môn Đình (Đình Bảng) được dựng lên từ thế kỷ 15, vừa là nơi tế lễ thành hoàng làng, là nơi tôn vinh truyền thống học hành, khoa bảng, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các lễ hội. Nét đặc sắc ở đây là Bảng Môn Đình trở thành nơi hội tụ, hoạt động, đào luyện những người theo nho học, những trí thức trong làng, nơi học hỏi những điều hay trong các buổi bình văn giảng tập. Từ đó đình có tên Bảng Môn, có nghĩa là cửa vào của các nhà khoa bảng.

Di vật trong Bảng Môn Đình còn giữ lại được gồm một bức đại tự "Địa Linh Nhân Kiệt" và hai bản "Thúc Ước Văn". Gần đây, những di tích lịch sử như tấm bia "Đường Bột Kiều Bi", một tấm bia lớn ghi công trạng của các vị đại khoa và "Hòn đá Sư lộ" được đưa về trước cửa đình.

Đây còn là ngôi đình cổ với kiến trúc điêu khắc vô cùng đặc sắc. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là những hình ảnh chạm khắc (chạm lộng, chạm thủng kênh bong) nổi khối như tượng tròn trên cấu kiện kiến trúc. Đặc biệt, bên trong đình, ngay cửa hậu cung thờ Thành hoàng Nguyễn Tuyên hiện vẫn còn nguyên vẹn phù điêu với các nét chạm khắc mây, đao, tráng sĩ cưỡi voi, trạng nguyên cưỡi ngựa... đẹp như tranh vẽ, gấm dệt.

Năm 1990, Bảng Môn Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật và trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Hoằng Lộc nói riêng, người dân Hoằng Hóa nói chung.[5]

  • Cụm Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Bảng Môn Đình: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.[7]
  • Di tích Lịch sử nhà thờ Nguyễn Quỳnh (mẫu hình nhân vật Trạng Quỳnh):Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.[8]
  • Nhà thờ - Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất: Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia[9]
  • Nhà thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền: Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh[10]
  • Nhà thờ họ Nguyễn Thọ Trù - nơi thờ Hoàng giáp Nguyễn Cẩn: Di tích văn hoá cấp tỉnh [11].
  • Nhà thờ họ Hà Duy Phiên : Di tích văn hoá cấp tỉnh [7]
  • Nhà thờ họ Lê Huy: Di tích văn hoá cấp tỉnh [7]
  • Chùa Thiên Nhiên Tự ( Chùa Nhờn ): Di tích văn hoá cấp tỉnh [7]
  • Từ đường họ Nguyễn Hầu: Di tích văn hoá cấp tỉnh [7]
  • Kiến trúc nghệ thuật ngôi nhà cổ ông Nguyễn Văn Nho: Di tích văn hoá cấp tỉnh [7]

Hội làng Bột Thượng

  • Thời gian: Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng Giêng
  • Địa điểm: Thôn Đình Bảng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. ( Xưa là làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
  • Đối tượng tôn vinh: Thành hoàng làng là tướng Nguyễn Tuyên - người có công lớn giúp triều Lý.
  • Đặc điểm: Lễ mừng công thành hoàng làng tổ chức 3 ngày, lễ tế lợn, xôi, rượu.

Không khí hội làng vui tươi ấy còn được ghi trong câu ca của làng: “Xã ta đóng áng giữa đồng/ Trông lên lồ lộ những rồng cùng tiên”.

Phần lễ, nghi lễ cúng tế được cử hành trọng thể, đọc thúc ước văn bằng chữ nôm tại đình Đụn, 5 toà miếu, Văn chỉ và các nhà thờ họ. Các vị thần được thờ trong làng đứng đầu là Thành hoàng Nguyễn Tuyên - một vị công thần thời Lý có công giúp vua Lý Thái Tông dẹp giặc Chiêm Thành đầu thế kỷ XI. Sau đó, ông được dân làng nơi đây mến mộ, kính trọng đưa vào hưởng tế Thành hoàng làng. Phần hội là các trò chơi, trò diễn mang đậm yếu tố dân gian như: đấu vật, đánh cờ, đua thuyền, múa hát...